Đặc điểm của cây nhàu
Bài viết của Lương y Hoài Vũ trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, cây nhàu là cây thân gỗ cao chừng 4-8m, thân nhẵn, thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp dọc bờ sông bờ suối. Cây nhiều cành to, lá mọc đối, hình bầu dục rộng, có góc ở gốc, nhọn ở đầu, dài 12-30cm, rộng 6-15cm, bóng loáng, dạng màng. Hoa trắng, hợp thành đầu, đường kính 2-4cm, nở vào tháng 1-2.
Quả hình trứng, xù xì, dài chừng 5-6cm; gồm nhiều quả mọng nhỏ, màu vàng lục nhạt, bóng, dính với nhau. Quả chín vào tháng 7-8. Ruột quả có lớp cơm mềm, chính giữa một nhân cứng. Nhân dài chừng 6-7mm, ngang chừng 4-5mm, 2 ngăn chứa 1 hạt nhỏ.
Để làm thuốc, thu hái và sử dụng lá, quả, vỏ cây và rễ nhàu, dùng tươi hoặc dùng khô.
Theo lương y Hoài Vũ, các bộ phận của cây nhàu đều có thể chữa được bệnh cụ thể như sau:
Lá nhàu: Chữa lỵ, tiêu chảy, cảm sốt. Dùng ngoài giã nát, đắp vào vết thương, vết loét, viêm khớp đau nhức giúp chóng lên da non, giảm đau nhức. Trong dân gian dùng lá nhàu nấu canh ăn cho bổ hoặc hầm với lươn ăn để dưỡng thận.
Vỏ thân: Dùng cho phụ nữ sau sinh, nấu nước uống.
Rễ nhàu: Chữa cao huyết áp, xương khớp nhức mỏi và đau lưng.
Quả nhàu có tác dụng gì?
Với đặc tính chát (như sung), cùng với mùi cay nồng đặc trưng, quả nhàu cực tốt trong hệ tiêu hoá, hoạt huyết, lợi tiểu và điều hoà kinh nguyệt. Ngoài ra, rất nhiều vitamin có trong trái nhàu (đặc biệt là nhàu tươi) rất cần thiết cho cơ thể con người như vitamin C, sắt, kali, natri, maggie.
Dưới đây là một trong những công dụng của trái nhàu trong việc hỗ trợ bổ sung sức khoẻ của cơ thể:
Hiệu quả tốt với dạ dày, tiêu hóa kém:
Các chuyên gia đã tìm ra được nhiều minh chứng cho thấy rằng, trái nhàu có thể làm giảm tiết dịch niêm mạc dạ dày rất tốt. Đặc biệt là đối với các trường hợp trào ngược dạ dày hay những bệnh về tiêu hoá kém. Trái nhàu khả năng hỗ trợ tăng cường hoạt động, co bóp của dạ dày để hệ tiêu hoá khoẻ mạnh hơn.
Ngoài ra, trái nhàu còn loại bỏ một số độc tố trong cơ thể, và từ đó tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, vitaminh và khoáng chất có trong đồ ăn. Trái nhàu cũng có thể dùng để ngăn chặn các gốc tự do, tăng khả năng chống oxy hoá, loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
Hỗ trợ giảm đau nhiều bệnh lý
Đây là một trong số những công dụng được đánh giá là hiệu quả nhất của trái nhàu. Trái nhàu giúp làm giảm sưng tấy với các vết thương trên cơ, bầm tím. Trái nhàu còn hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp, làm giảm sự khó chịu của người bệnh, việc ngâm rượu trái nhàu và dùng đúng liều lượng sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất cho cơ thể.
Ngoài ra, với những người bị đau thường xuyên thì nên sử dụng trái nhàu như một phương pháp giảm đau hiệu quả. Nếu sử dụng đúng cách (khi ép nước), trái nhàu còn giúp điều trị tiêu chảy, kiết lỵ và táo bón.
Tăng cường đề kháng và miễn dịch của cơ thể
Với khả năng sản xuất tế bào T, trái nhàu mang đến công dụng kháng thể tế bào lạ trong cơ thể. Trái nhàu sẽ càng hữu hiệu hơn đối với những bệnh nhân có mầm mống căn bệnh ung thư. Các dưỡng chất trong trái nhàu sẽ giúp sản sinh những tế bào khỏe mạnh hơn, tăng cường đề kháng và miễn dịch.
Không chỉ vậy, có nghiên cứu còn chỉ ra rằng, dịch được chiết xuất từ quả nhàu (đặc biệt là trái nhàu tươi) có chứa chất Damnacanthal, có khả năng giảm lượng máu áp lực lên khối u. Chất Damnacanthal có thể áp chế một số loại tế bào ung thư, khống chế tế bào hư hại một cách tương đối hiệu quả.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng quả nhàu
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, quả nhàu tuy tốt cho sức khoẻ nhưng khi sử dụng cần lưu ý những điều dưới đây:
– Nếu dùng nước ép trái nhàu: Chỉ nên uống trong mức 120 – 160ml/ngày.
– Nếu dùng rượu trái nhàu chỉ nên uống 1 – 2 ly/ngày.
– Khi kết hợp với loại trái cây khác cần lưu ý hạn chế cho thêm đường và chất tạo ngọt.
– Những thành phần trong trái nhàu có thể tương tác với các loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc chống đông máu. Do đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
– Mẹ bầu, phụ nữ đang cho con bú, người bệnh suy thận, viêm thận, tụt huyết áp không nên dùng trái nhàu.
– Không nên dùng trái nhàu chung với các chất kích thích như cà phê,…
– Người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, duy trì chế độ ăn phù hợp, lối sống lành mạnh, tinh thần lạc quan để kiểm soát bệnh hiệu quả.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn “Quả nhàu có tác dụng gì với sức khoẻ?”. Hãy sử dụng quả nhàu đúng cách để nhận được những lợi ích tốt nhất nhé.
Hạ An(Tổng hợp)