Một vài loại rau thơm làm tăng hương vị dùng món ăn ngon hơn trong bữa ăn hàng ngày và giúp phòng và chữa bệnh thông thường.
Húng quế
Báo Lao động dẫn nguồn trang Livestrong cho biết, các nghiên cứu từ các tổ chức y tế uy tín như World Health Organization (WHO) và National Institutes of Health (NIH) chỉ ra rằng, húng quế chứa nhiều chất chống ôxy hóa, đặc biệt là eugenol, giúp giảm viêm và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Theo nghiên cứu của Journal of Clinical Nutrition, eugenol còn giúp cân bằng lượng đường trong máu, rất hữu ích cho người bị tiểu đường. Húng quế cũng giàu vitamin K, giúp cải thiện sức khỏe xương.
Ngò rí (rau mùi)
Ngò rí chứa các chất như linalool và quercetin, được chứng minh có khả năng giảm viêm và hỗ trợ giải độc gan. Rau mùi có thể giảm cholesterol “xấu” (LDL) và tăng cholesterol “tốt” (HDL), giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Tía tô
Tía tô chứa nhiều omega-3, flavonoid và chất chống ôxy hóa mạnh, giúp cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa và giảm viêm. Theo Journal of Medicinal Food, tía tô còn chống dị ứng, hỗ trợ điều trị viêm da dị ứng và hen suyễn nhờ các hợp chất như perilla aldehyde.
Rau răm
Báo VietNamNet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ – Giảng viên Khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, rau răm có hương thơm đặc biệt, vị cay, tính ấm, không độc. Rau răm là loại gia vị không thể thiếu ăn kèm cháo lươn, trứng vịt lộn, gỏi gà, trừ chất tanh trong hải sản.
Trong Đông y, rau răm là vị thuốc tác dụng kích thích tiêu hóa, trừ phong hàn, dùng để chữa đau bụng lạnh, chữa rắn cắn, chàm ghẻ, mụn trĩ, kém ăn. Thường khi làm thuốc, người ta dùng rau tươi, không qua chế biến.
Lá lốt
Lá lốt là loại cây mọc hoang và được trồng ở khắp mọi nơi. Lá lốt có công dụng ấm trung tiêu, ấm dạ dày. Chữa nôn mửa do bị khí lạnh bụng đầy đau. Chữa nhức đầu, đau răng, mũi luôn luôn chảy nước, đại tiện lỏng ra nước, ra máu.
Trong dân gian, lá lốt thường được dùng chữa các bệnh sau: đau nhức xương khớp, bệnh phụ khoa (các viêm nhiễm ở vùng âm đạo, ngứa, ra khí hư, đổ mồ hôi nhiều ở tay chân, bệnh tổ đỉa ở bàn tay, đau rang, viêm xoang, chảy nước mũi đặc, giải say nắng, đau bụng lạnh, đi tiêu phân lỏng, buồn nôn, nấc cụt.
Hành lá
Hành lá chứa allicin, một hợp chất được chứng minh giúp giảm huyết áp và cải thiện chức năng miễn dịch. Hành lá cũng giàu vitamin C và quercetin, giúp tăng cường khả năng chống ôxy hóa và bảo vệ tế bào khỏi tác động của các gốc tự do.
Rau húng lủi (bạc hà)
Bạc hà nổi tiếng với công dụng làm dịu hệ tiêu hóa. Nghiên cứu của National Institutes of Health cho thấy, tinh dầu bạc hà có thể làm giảm triệu chứng đầy hơi, khó tiêu và hội chứng ruột kích thích. Bạc hà còn giúp cải thiện tâm trạng và giảm stress nhờ tác động tích cực lên hệ thần kinh.
Báo VietNamNet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ – giảng viên khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đa số loại rau gia vị đều có vị cay, tính ấm, chứa tinh dầu, tác dụng kích thích tiêu hóa, sát khuẩn, làm ấm bụng. Vào mùa lạnh có thể sử dụng các loại rau gia vị này nhiều hơn một chút sẽ có tác dụng tăng hương vị cuộc sống, bảo vệ sức khỏe chống lại cái lạnh ngoài trời và cái lạnh trong lòng hiệu quả.
Thanh Thanh(Tổng hợp)