Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá lốt


Thành phần dinh dưỡng và tác dụng của lá lốt

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, lá lốt là loại cây mềm, hay mọc ở những vùng ẩm thấp, được trồng để làm rau gia vị hoặc trồng lấy thuốc.

Trong 100g lá lốt chứa 39 calo, 86,5g nước, 4,3g protein, 2,5g chất xơ, 260mg canxi, 980mg photpho, 4,1mg sắt và 34mg vitamin C. Phần rễ của lá lốt chứa benzyl axetat và phần lá, thân có alkaloid và beta-caryophylen.

Bạn có thể dùng lá lốt tươi hoặc cắt nhỏ và mang sấy khô để dùng lâu dài. Bạn nên bảo quản loại lá này ở những nơi khô, thoáng và tránh bị chiếu trực tiếp bởi ánh nắng mặt trời.

Dưới đây là các tác dụng của lá lốt:

– Hạn chế tình trạng chảy máu chân răng.

– Lá lốt có tính ấm, hơi nồng. Loại lá này đặc biệt có thể điều trị hiệu quả tình trạng đầy hơi, khó tiêu.

– Giảm ho.

– Loại lá này có tính ấm, chống hàn nên có thể giúp những cơn đau xương khớp thuyên giảm nhanh chóng hơn.

– Theo y học hiện đại, loại lá này có tính kháng khuẩn và chống viêm rất hiệu quả.

– Làm đẹp da: Trong lá lốt chứa một số hợp chất giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn và giảm tình trạng sưng viêm. Vì thế, lá lốt có thể giúp trị mụn hiệu quả. Hơn nữa, lá lốt còn chứa nhiều loại vitamin rất tốt cho da, giúp da cân bằng độ pH, giúp da đẹp và khỏe.

Lá lốt rất tốt cho sức khoẻ

Lá lốt rất tốt cho sức khoẻ

Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá lốt

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời ThS.BS Hoàng Khánh Toàn hướng dẫn một số bài thuốc chữa bệnh từ lá lốt như sau:

– Giảm đau nhức xương khớp:Lá lốt cả rễ và thân 20g, dây đau xương 10g, rễ cây thầu dầu tía 10g.

Tất cả cắt ngắn sao vàng sắc với 600ml nước còn 200ml. Chia 2 lần uống trong ngày, uống liền trong 1 tuần.

– Hỗ trợ điều trị bệnh phong tê thấp:‎Lá lốt 20g, cỏ xước 20g, cành dâu 20g, cà gai leo 20g.

Các vị thuốc cắt ngắn sao vàng sắc với 600ml nước còn 200ml. Chia 2 lần uống trong ngày, uống liền trong 1 tuần.

– Sưng đau khớp gối, đau vai gáy:Lá lốt cả cây (thân, rễ) phơi khô sắc nước uống thay trà. Uống liền 3 tuần.

– Giảm đau thắt lưng, đau gối: Lá lốt, rễ, thân và có hoa càng tốt (dùng tươi). Mỗi lần 30g sắc uống.

– Đợt cấp viêm đa khớp tiến triển: Lá lốt 10g, cỏ xước 10g, cà gai leo 10g, tỳ giải 12g, cành dâu 12g, ké đầu ngựa 12g, thổ phục linh 12g, hy thiêm 16g. Sắc uống ngày một thang.

– Hỗ trợ điều trị viêm khớp mạn tính:Rễ lá lốt 12g, thổ phục linh 16g, cành dâu 16g, cỏ xước16g, đỗ đen sao 16g, ý dĩ16g, sinh địa 16g, mã đề sao 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Trà thuốc ngừa phong thấp:Lá lốt 10g, ngưu tất 20g, thổ phục linh 20g, hy thiêm 50g. Thái nhỏ sấy khô hàm với nước sôi trong bình kín, nước thay trà.

– Thuốc dùng ngoài chữa cơ khớp sưng đau: Lá lốt 30g, lá ngải cứu 30g, lá gấc 30g, củ gai 20g, gừng tươi 30g, giã nhuyễn ngâm rượu 7-10 ngày, dùng để xoa bóp nơi khớp sưng đau. Bã đắp đắp vào chỗ sưng đau.

– Cháo lá lốt giảm viêm khớp:Lá lốt 150g, lá ngải cứu 50g, gạo tẻ 150g, chim bìm bịp 1 con. Lá lốt và ngải cứu tươi giã nhỏ lọc lấy 200 ml nước. Chim bìm bịp làm sạch cho gạo vào nấu thành cháo, khi cháo và thịt chim nhừ cho nước lá lốt ngải cứu vào, đun thêm 10 phút. Chia 2-3 lần ăn trong ngày. Ăn liền trong 5 ngày. Bã lá xào nóng chườm đắp vào chỗ sưng đau.

Lưu ý:

Lá lốt làm thức ăn cũng có tác dụng chữa bệnh, nhưng hiệu lực kém hơn khi dùng cả cây, rửa sạch, phơi âm can (nơi không có nắng) và tránh gây dập nát. Dùng tươi, để sôi nước mới bỏ vào. Không đun lâu, bay mất tinh dầu là tác nhân giúp tăng cường hiệu quả điều trị.

Ngoài ra, lá lốt có nhiều công dụng tốt như hỗ trợ tiêu hóa, chữa đầy bụng, sôi bụng, ăn uống không tiêu; dùng ngoài chữa mụn nhọt, viêm loét miệng… Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý dùng lá lốt đúng liều lượng hoặc theo chỉ dẫn của thầy thuốc để tránh những rủi ro không mong muốn.

Hạ An(Tổng hợp)

vtv-sức khỏe