Nấm từ lâu được coi là nguyên liệu quý trong ẩm thực và y học. Với thành phần dinh dưỡng phong phú và các hợp chất có hoạt tính sinh học, nấm không chỉ góp phần làm phong phú khẩu vị mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Dưới đây là những công dụng chính của nấm đối với sức khỏe con người:
Nguồn dinh dưỡng dồi dào
Nấm là nguồn cung cấp protein thực vật quý giá, đặc biệt là cho những người ăn chay. Hàm lượng protein trong nấm có thể chiếm 20-30% trọng lượng khô, tương đương với một số loại thịt.
Nấm chứa đủ các acid amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, như lysine, leucine, và methionine. Bên cạnh đó, nấm còn cung cấp lượng carbohydrate và chất xơ quan trọng, giúp hỗ trợ tiêu hóa và duy trì đường huyết ổn định.
Nguồn chất béo tốt
Chất béo trong nấm chủ yếu là các acid béo không bão hòa, chiếm từ 54-76% tổng lượng chất béo. Đây là loại chất béo tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Vitamin và khoáng chất thiết yếu
Nấm chứa nhiều loại vitamin quan trọng, gồm vitamin B1 (thiamin), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (pantothenic acid), và vitamin D. Đặc biệt, nấm là một trong số ít nguồn thực phẩm tự nhiên cung cấp vitamin D, giúp duy trì sức khỏe xương và hệ miễn dịch.
Các khoáng chất như kali, phốt pho, canxi, và sắt trong nấm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp, cải thiện chức năng cơ và hệ thống thần kinh.
Tăng cường hệ miễn dịch
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các polysaccharide trong nấm, đặc biệt là beta-glucan, có khả năng kích thích hệ miễn dịch. Những chất này giúp kích hoạt các tế bào miễn dịch như đại thực bào, tế bào T và tế bào sát thủ tự nhiên, từ đó giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác. Nấm linh chi và nấm hương là hai loại nấm nổi tiếng với khả năng tăng cường miễn dịch.
Phòng chống ung thư
Nấm chứa nhiều hợp chất có khả năng chống ung thư. Ví dụ, lentinan – một polysaccharide trong nấm hương – được chứng minh có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Ngoài ra, các hợp chất khác trong nấm như triterpenoid và ergosterol cũng có khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u và hỗ trợ cơ thể trong việc loại bỏ tế bào ung thư.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Nấm tác dụng giảm mức cholesterol và triglycerid trong máu, nhờ vậy giúp bảo vệ tim mạch. Chúng còn chứa các chất chống oxy hóa như ergothioneine và selenium, giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa các cholesterol LDL, nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch và bệnh tim.
Giải độc và bảo vệ gan
Các loại nấm như nấm linh chi, nấm đùi gà, và nấm đầu khỉ được biết đến với khả năng giải độc và bảo vệ tế bào gan. Chúng giúp gan loại bỏ các chất độc hại và hỗ trợ chức năng gan, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ, và xơ gan.
Hỗ trợ tiêu hóa và chống viêm loét dạ dày
Nấm chứa các chất xơ hòa tan và không hòa tan, giúp duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Nấm đầu khỉ có khả năng thúc đẩy sản xuất chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, từ đó giúp phòng chống viêm loét dạ dày.
Chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ
Các chất chống oxy hóa trong nấm giúp giảm sự hình thành của các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa. Nấm linh chi đặc biệt nổi tiếng với khả năng kéo dài tuổi thọ, giúp cơ thể chống lại căng thẳng và duy trì sức khỏe toàn diện.
Cải thiện tâm trạng và giảm stress
Nấm chứa ergothioneine và các hợp chất khác có tác dụng bảo vệ tế bào não khỏi stress oxy hóa, cải thiện chức năng não và giúp giảm căng thẳng. Một số loại nấm còn giúp an thần nhẹ, cải thiện giấc ngủ và giảm căng thẳng tâm lý.
Nấm là thực phẩm tuyệt vời với nhiều lợi ích sức khỏe đa dạng. Việc bổ sung nấm vào chế độ ăn hàng ngày không chỉ giúp cải thiện khẩu vị mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ việc tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch đến hỗ trợ tiêu hóa và chống lão hóa. Tuy nhiên, cần chọn lựa và sử dụng nấm một cách hợp lý để tận dụng tối đa lợi ích mà chúng mang lại.
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ