Omega-3 là nhóm các axit béo không no mà cơ thể con người không tự sản xuất được mà phải bổ sung từ thực phẩm. Có ba loại omega-3 chính là ALA (alpha-linolenic acid), DHA (docosahexaenoic acid) và EPA (eicosapentaenoic acid). ALA thường có trong các loại hạt và dầu thực vật, trong khi DHA và EPA chủ yếu được tìm thấy trong các loại cá và hải sản.
Vai trò của omega-3 với sức khỏe con người
Omega-3 có nhiều tác dụng đối với sức khỏe của người, ví như:
- Hỗ trợ phát triển chức năng não bộ, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm cholesterol, giảm huyết áp, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Chống viêm nhiễm, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính liên quan tới viêm nhiễm như viêm khớp.
- Cải thiện tâm trạng, giảm nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần như trầm cảm và căng thẳng, lo âu.
Chính vì thế, việc bổ sung omega-3 thường xuyên vào chế độ ăn uống hàng ngày là cực kỳ quan trọng để có một sức khỏe tốt nhất.
Loại hạt giàu omega-3 bậc nhất
Trong một danh sách thống kê 12 thực phẩm giàu omega-3 của Healthline, một điều khiến không ít người bất ngờ đó là cá hồi không phải loại thực phẩm giàu omega-3 nhất.
Theo danh sách này, trong 100g cá hồi chỉ chứa 2,150 mg omega-3, trong khi đó, lượng omega-3 trong 100g cá thu cao hơn hẳn với 4,580 mg. Đặc biệt, hạt chia – loại hạt rất nhỏ bé, được bán khá nhiều tại Việt Nam – lại chứa một lượng omega-3 cao bất ngờ với 5,050 mg chỉ với 28g hạt.
Không chỉ giàu omega-3, hạt chia còn có rất nhiều công dụng khác cho sức khỏe, bao gồm:
Cải thiện tiêu hóa
Hạt chia chứa nhiều chất xơ. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung đủ chất xơ giúp nhu động ruột hoạt động trơn tru hơn, từ đó giúp tăng cường sức khỏe của hệ tiêu hóa. Ngoài ra, khi ngâm hạt chia, bao quanh hạt có một lớp chất nhầy. Đây là dạng chất xơ đặc biệt giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, ngăn lượng đường trong máu tăng đột biến và tăng cảm giác no.
Giảm viêm nhiễm trong cơ thể
Axit alpha-linolenic (ALA)-loại omega-3 trong hạt chia được chứng minh tác dụng chống viêm. Viêm nhiễm liên quan đến nhiều bệnh mạn tính ví dụ như bệnh tim mạch, tiểu đường và một số loại ung thư.
Ngoài ra, hạt chia cũng rất giàu chất chống oxy hóa. Chất này sẽ giúp ngăn ngừa các tổn thương do gốc tự do gây ra, từ đó giúp giảm viêm nhiễm cũng như nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Omega-3 trong hạt chia có thể giúp giảm viêm, giảm cholesterol xấu và tăng mức cholesterol tốt. Những điều này sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, một nghiên cứu còn phát hiện hạt chia có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách giảm huyết áp.
Giàu chất dinh dưỡng
Mặc dù kích thước nhỏ nhưng hạt chia cực giàu protein. Ngoài ra, hạt chia cũng chứa hàng loạt vitamin và khoáng chất bao gồm canxi, sắt, magiê, phốt pho, kali, kẽm, selen, folate, vitamin A, vitamin B.
Minh Lâm(Nguồn: Healthline, Eatingwell)