Lá đinh lăng có tác dụng gì?
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, đinh lăng là cây lá kép, mọc so le, lá 3 lần xẻ lông chim, mép khía có răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành tán. Quả dẹt, lá đinh lăng phơi khô, nấu lên mùi thơm đặc trưng. Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, là loại cây nhỏ thường được trồng làm cây cảnh trước nhà.
Lá đinh lăng vị bùi, đắng, thơm, hơi mát. Trong Đông y, lá đinh lăng tác dụng lương huyết, giải độc, chống tanh hôi, lợi niệu, tiêu mẩn ngứa. Lá đinh lăng chủ trị chữa dị ứng, ho ra máu, kiết lỵ.
Lá đinh lăng xào trứng có tác dụng gì?
Báo VietNamNet dẫn lời lương y Bùi Đắc Sáng – Hội Đông y Hà Nội cho biết, ngoài dùng đun nước uống thì lá đinh lăng còn được nhiều người chế biến thành các món ăn trong đó phổ biến là món lá đinh lăng xào trứng.
Trong lá đinh lăng có nhiều dưỡng chất kích thích hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng. Mùi thơm của lá đinh lăng còn giúp an thần, ổn định thần kinh, từ đó mang lại cảm giác dễ chịu và giúp ngủ ngon hơn. Lá đinh lăng chiên trứng gà là món ăn ngon, vị rau quý giúp bạn ngủ ngon, hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, khó ngủ hiệu quả.
Nếu bạn gặp tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc có thể thử món này vừa đơn giản, dễ làm:
Bạn chọn 100g lá non từ cây trồng ít nhất 3 năm tuổi, có thể ăn như rau, tốt như nhân sâm. Chuẩn bị thêm 4 quả trứng gà ta sạch.
Lá đinh lăng rửa sạch, thái nhỏ. Đánh trứng và gia vị vừa ăn cùng với lá đinh lăng. Sau đó chiên đến khi trứng chín là ăn được.
Ngoài ra, món ăn này còn hỗ trợ bồi bổ sức khỏe cho người mới ốm dậy, lợi sữa, giảm đau đầu, mất ngủ, hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, chữa ho lâu ngày, giảm đau xương khớp.
Lưu ý: Cây đinh lăng rất tốt tuy nhiên không nên lạm dụng do trong đinh lăng có chứa nhiều saponin, có thể gây các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, suy nhược cơ thể. Mỗi tuần, bạn có thể ăn từ 2-3 lần món này đến khi hết triệu chứng.
Hạ An(Tổng hợp)