Bệnh Gout (còn gọi là gút hay thống phong) là một dạng viêm khớp phổ biến, do rối loạn chuyển hóa gây tăng acid uric (AU) trong máu và hậu quả lắng đọng các tinh thể tại các mô của cơ thể. Người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau.
Thời đại ngày nay đã xóa tan quan niệm trước đây cho rằng gút là “bệnh nhà giàu” và chỉ có ảnh hưởng đến đàn ông, thực tế cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ngày càng phổ biến đặc biệt ở nhóm phụ nữ đã mãn kinh. Bên cạnh đó, khi đời sống được nâng cao hơn, nguồn thực phẩm đa dạng và chế độ ăn không lành mạnh đã khiến căn bệnh này ngày càng phổ biến và trẻ hóa.
Bình thường chỉ số AU trong máu được duy trì ở mức cố định đối với nam giới: 210 – 420 umol/L và 150 – 350 umol/L đối với nữ giới. Khi thận không thải được AU hoặc do cơ thể tạo ra quá nhiều hoặc do bất thường trong chu trình tạo ra acid này dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gút.
Gút nguyên phát chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 90% các trường hợp) gút thường gắn liền với các yếu tố di truyền, cơ địa, lối sống và một số bệnh rối loạn chuyển hóa khác.
Gút bấm sinh: thiếu hụt một số enzym chuyển hóa AU
Gút thứ phát là tình trạng tăng AU máu do một số bệnh khác hay một số nguyên nhân khác như mắc một số bệnh lý về máu như bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, sarcome hạch, sử dụng thuốc lợi tiểu Thiazide, thuốc kháng lao, thuốc độc tế bào.
Tùy vào mức độ bệnh sẽ có những đợt bùng phát khác nhau, một số người chỉ bị vài năm một lần, trong khi những người khác lại gặp vài tháng một lần.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn và mật độ khớp bị ảnh hưởng có thể rộng hơn, nồng độ AU cao và không được điều trị trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nguy hiểm:
- Sỏi thận: Theo thống kê có khoảng 20% bệnh nhân gout bị sỏi thận, nguyên nhân do sự tích tụ của các tinh thể urat và calci tạo thành sỏi. Điều này dẫn đến suy giảm chức năng thận, gây tắc nghẽn và nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Giảm độ lọc của cầu thận.
- Mức độ nặng của bệnh cũng liên quan đến tỷ lệ cao của bệnh tim thiếu máu.
- Đứng trước nguy cơ bị hoại tử khớp và tàn phế khi các hạt tophi vỡ gây ra loét, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng dẫn đến viêm khớp, để lâu dẫn đến hỏng khớp.
- Hẹp động mạch có thể dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim hoặc các vấn đề về tim khác.
- Thoái hóa ở khớp: xảy ra khi các tinh thể urat và hạt tophi cứng gây tổn thương khớp.
- Tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt.
- Xuất hiện các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm
- Có dấu hiệu rối loạn cương ở nam giới.
Người mắc bệnh gout (gút) lâu năm có thể có một hoặc nhiều hạt tophi xung quanh khớp bị ảnh hưởng. Sự hiện diện của những nốt sần này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có nguy cơ gây biến dạng khớp và kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chữa trị kịp thời. Hạt tophi là những cục u nhỏ thường có màu trắng xuất hiện ở dưới da do sự lắng đọng của các tinh thể muối urat hoặc AU tích tụ. Các hạt tophi có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như khớp, dây chằng, trong cơ và cả trong thận gây nên tình trạng viêm khớp, sỏi thận, gút trong thận, thậm chí làm hoại tử các ổ khớp khiến người bệnh có nguy cơ tàn phế. Sự xuất hiện của các hạt tophi dưới da có thể xem là dấu hiệu cho thấy bệnh gout đã trở nặng, thường xảy ra vào khoảng 12 – 35% trường hợp. Nếu không điều trị kịp thời và hiệu quả, người bệnh khó tránh khỏi tình trạng tổn thương khớp.
Các hạt tophi thường bắt đầu phát triển ở các khớp và mô trong giai đoạn gút mạn tính tiến triển nặng. Quá trình này diễn ra trung bình khoảng 11,6 năm kể từ đợt gút cấp đầu tiên. Thông thường nguyên nhân do người bệnh không được điều trị trong thời gian dài, dẫn đến nồng độ AU quá cao. Lâu ngày sẽ tích tụ tạo thành các hạt tophi.
Quá trình phát triển hạt tophi phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh gout:
- Tăng AU máu không có triệu chứng: Nồng độ AU trong máu cao nhưng không có triệu chứng rõ ràng nào.
- Bệnh gout cấp tính: AU bắt đầu hình thành trong khớp, dẫn đến viêm đau nghiêm trọng. Lúc này khớp dễ bị sưng đau, nóng đỏ.
- Giai đoạn giữa (Đau ngắt quãng): Không có triệu chứng giữa các cơn gút. Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài năm.
- Giai đoạn gút mạn tính: Các hạt tophi dần phát triển trong khớp và các mô xung quanh. Tình trạng này xảy ra khi khi bệnh không được điều trị trong một thời gian dài (khoảng 10 năm).
Hạt tophi không chỉ làm mất thẩm mỹ mà khi không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách có thể nó bị vỡ gây nhiễm trùng máu, lở loét, hoại tử… Do vậy, để tránh những biến chứng có thể xảy ra, người bệnh cần tiến hành thăm khám định kì, sử dụng thuốc điều trị đúng hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh gout nên có ý thức kiểm soát nồng độ AU ngay từ giai đoạn đầu, kể cả khi bệnh không biểu hiện triệu chứng. Đây là cách tốt nhất phòng tránh bệnh chuyển biến sang giai đoạn nặng. Từ đó, phòng ngừa sự hình thành của hạt tophi. Bên cạnh đó là kết hợp chế độ ăn hợp lý: Hạn chế hải sản, các loại thịt đỏ, các loại hạt đậu. Ngoài ra nếu có xuất hiện các hạt tophi cần tiến hành chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ giúp giảm thiểu những biến chứng nặng nề khiến thời gian điều trị bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người bệnh.