Đỉa sống trong mũi khiến người đàn ông khó thở, chảy máu


Ngày 7/11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, thông tin bác sĩ khoa Tai mũi họng vừa gắp thành công con đỉa dài 5 cm, to bằng đầu đũa trong mũi một nam bệnh nhân.

Bệnh nhân là anh Lục Văn B. (ở Thường Xuân, Thanh Hóa). Một tuần gần đây anh ho nhiều về đêm, khó thở, chảy máu mũi, đau nhức, ngứa ngáy khó chịu ở vùng mũi.

Trước đó, bệnh nhân đã đi khám ở các cơ sở y tế khác nhưng chỉ được chẩn đoán viêm mũi, chảy máu mũi chưa rõ nguyên nhân, uống thuốc nhưng không đỡ.

Gần đây, triệu chứng trên tăng nặng kèm cảm giác khó chịu dữ dội vùng mũi, họng nên anh đi khám tại khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Qua thăm khám lâm sàng, nội soi mũi họng, các bác sĩ phát hiện có dị vật sống hình dạng tương tự với loài vắt, đỉa rừng đang di chuyển trong khe mũi của bệnh nhân. Khi dùng ánh sáng soi vào, dị vật di chuyển liên tục từ khe mũi trên bên phải xuống khe mũi dưới với tốc độ nhanh.

Đỉa sống trong mũi khiến người đàn ông khó thở, chảy máu - 1

Dị vật được gắp ra là con đỉa còn sống dài 5cm, to bằng đầu đũa. (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhân được chuyển về phòng mổ để gắp dị vật. Ban đầu, bệnh nhân được gây tê nhưng do dị vật thuộc ngành giun đốt rất trơn, di chuyển và lẩn trốn nhanh khi đụng vào nên rất khó xác định vị trí chính xác của dị vật. Hơn nữa, cấu trúc hốc mũi hẹp nên việc tìm và lấy dị vật sống càng khó.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng đơn nguyên Đầu mặt cổ của khoa Tai mũi họng, cho biết sau hơn 20 phút không thể dùng phương pháp nội soi gây tê để lấy dị vật, các bác sĩ buộc phải gây mê để gắp dị vật sống thuận lợi hơn.

Sau 45 phút nỗ lực tìm kiếm, dị vật được gắp ra là một con đỉa còn sống dài 5 cm, to bằng đầu đũa, bám chặt trong khe mũi trên bên phải của bệnh nhân. Đây là con đỉa to, hút máu rất khỏe, người dân hay gọi là “đỉa trâu”.

Ngay sau khi dị vật được gắp ra ngoài, bệnh nhân đã hết các triệu chứng ngứa ngáy và khó thở, tình trạng sức khỏe ổn định.

Theo lời kể của anh B. khoảng 1 tuần nay, anh có đi làm đồi, do khát nước nên đã uống nước suối và rửa mặt ở đó. Các bác sĩ nhận định có thể bệnh nhân đã bị đỉa chui vào miệng trong quá trình sử dụng nước suối.

Thạc sĩ Hòa cho biết bệnh nhân bị đỉa ký sinh trong cơ thể thường là dân sống ở miền núi, hay sử dụng nước trong các khe suối trong mỗi chuyến đi rừng. Con đỉa, con vắt khi mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thường có kích thước bé, nhưng khi vào cơ thể một thời gian ngắn, chúng sẽ hút máu và phát triển rất nhanh.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước không đảm bảo ở các khe suối để uống, sinh hoạt, đề phòng đỉa, vắt chui vào người. Khi có bất kỳ biểu hiện nào bất thường về sức khỏe, nên đi khám sớm tại cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời.

(Nguồn: Vietnamnet)

vtv-sức khỏe

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *