Với suy nghĩ thuốc nam là lành tính nên không ít người bệnh mới chỉ nghe lời mách bảo, truyền miệng đã vội vàng tìm đến các loại thuốc nam để chữa bệnh (đắp, mằn) hoặc uống bổ sung sức khỏe. Trên thực tế, việc sử dụng thuốc nam tràn lan, bừa bãi, không có hướng dẫn cụ thể của người có chuyên môn rất dễ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Theo một số chuyên gia y tế, về nguyên tắc đã gọi là thuốc, bất kể tân dược (thuốc tây) hay đông dược (thuốc nam) đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc mà dẫn đến hậu quả chết người. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc đông y nhiều khi còn phức tạp hơn tân dược vì trong thuốc đông y không những có dược chất chính mà còn rất nhiều chất khác, thậm chí tạp chất. Hơn nữa, trong thuốc đông dược lại gồm rất nhiều vị thuốc, khó phát hiện ra bệnh nhân bị dị ứng với thành phần nào nên việc điều trị càng nan giải.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự điều trị các vết thương tại nhà khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt là đối với những trường hợp điều trị bằng các phương pháp dân gian như đắp lá, là những phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể khiến cho tình trạng trầm trọng hơn.
Khi bị chấn thương, những giờ đầu mô mềm sẽ sưng nề, đau nhức do các mạch máu nhỏ bị tổn thương gây chảy máu. Nếu chườm lạnh, mạch máu sẽ co lại và máu sẽ ngừng chảy. Trong trường hợp chườm nóng như bó thuốc nam sẽ có thể giảm đau tức thời nhưng sẽ làm mạch máu giãn nở khiến máu bầm ra nhiều, gây sưng nề và đau nhức nhiều hơn, thậm chí khiến tình trạng lưu thông máu ở chân bị rối loạn, điều đó giải thích tại sao bạn cứ thòng chân xuống thì bị sưng, còn gác chân lên cao cảm thấy dễ chịu.Trường hợp nếu bạn bó thuốc nam trong thời gian dài, mô mềm xung quanh có khả năng bị xơ chai khiến hạn chế vận động chi tổn thương sau này. Nghiêm trọng hơn nếu bó thuốc quá chặt sẽ gây ra hiện tượng Áp lực cao chèn ép làm giảm áp lực thẩm thấu của mao mạch (gây chậm hoặc ngừng trao đổi chất) hoặc làm vỡ mao mạch… Khi thiếu máu nặng, cơ bị hoại tử, nhiễm trùng và miễn dịch cơ thể phản ứng chống mô hoại tử. Hậu quả: Hoại tử chi, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Mặt khác, thiếu máu động mạch có thể gây tràn dịch mô ngay cả khi áp lực khoang chưa cao, làm nặng thêm hội chứng chèn ép khoang. Mô xơ phát triển khi hoại tử kết thúc làm thay đổi cấu trúc tổ chức. Chèn ép khoang xảy ra nhiều ở cẳng chân…) hoặc loạn dinh dưỡng Sudeck (hội chứng Sudeck, hội chứng loạn dưỡng giao cảm phản xạ; hội chứng teo Sudeck) do rối loạn vận mạch, da bị loạn dưỡng, sẽ teo, tăng tiết mồ hôi, biểu hiện sưng nề chi, đau rát…
Ngoài ra, việc đắp lá không đảm bảo sạch vào vết thương, vết bỏng là rất nguy hiểm. Vì vết thương hở là “cửa mở toang” để vi khuẩn xâm nhập cơ thể, trong khi lá chỉ được rửa thông thường không đảm bảo vô khuẩn. Xử lý để đảm bảo vô khuẩn bằng các phương pháp y tế đang sử dụng thì mất hết tác dụng của lá, chẳng thày lang nào “dại dột” như vậy. Ngoài nhiễm trùng tại vùng vết thương hình thành áp xe gây hoại thư sinh hơi, nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết; viêm mủ màng tim, màng não, màng phổi; áp xe phổi; viêm xương hoặc tủy xương, để lại di chứng suốt đời hoặc tử vong!
Chính vì thế, việc xử trí chính xác các chấn thương rất quan trọng vì nó sẽ giúp tổn thương nhanh phục hồi. Chẳng may gặp chấn thương, các bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Thứ nhất, cần được nghỉ ngơi ngay sau khi bị chấn thương giúp tránh gây thêm những tổn thương cho các cơ, dây chằng. Cạnh đó giúp cơ thể có đủ năng lượng cần thiết để tự chữa lành vết thương.
– Thứ hai, chấn thương dù nặng hay nhẹ cũng nên được chườm lạnh ngay tức thì (nên nhớ không được chườm lạnh trực tiếp vì sẽ gây phỏng da và không bao giờ chườm lạnh quá 15-20 phút vì có thể làm da bị tổn thương). Tuyệt đối không được xoa bóp, chườm nóng hay bôi dầu hay mật gấu vào vết thương vì sẽ làm máu bầm nhiều hơn.
– Thứ ba, nên băng ép vết thương giúp giảm sưng, đau
– Thứ tư, kê cao chi thể tổn thương để hạn chế bị viêm sưng.
Nếu sau 3 ngày vẫn còn sưng đau, không đi được thì tốt nhất bệnh nhân nên đến gặp BS để được xử lý, chữa trị đúng cách.
Trong mỗi năm, y học quốc gia đều ghi nhận hơn rất nhiều trường hợp bị biến chứng do đắp thuốc lá cây. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều đã điều trị, đắp thuốc một thời gian dài tại các điểm đắp thuốc nam tự phát, chỉ khi bệnh trở nặng mới nhập viện. Do đó, để ngăn ngừa những tai biến do đắp thuốc nam, bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định. Cần phải từ bỏ lạm dụng đắp lá chữa bệnh vì không hiệu quả, chỉ gây hại. Nếu muốn điều trị theo phương pháp cổ truyền thì vẫn phải có ý kiến, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Đông y. Vì đã là thuốc thì phải kiểm soát tác dụng, liều lượng, mức độ độc hại, tác hại – cho dù là thuốc đông nam dược.