Trước đó, bé có dấu hiệu ho, sốt nhẹ, khàn tiếng, cha mẹ nghĩ cảm lạnh thông thường khi giao mùa nên không đưa đi khám, tự ý cho con uống thuốc hạ sốt tại nhà. Sau vài ngày, tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn, bé khó thở, không thể nuốt thức ăn liên tục khóc vì khó chịu. Khi được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm thanh quản cấp, với đường thở phù nề, hẹp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ do suy hô hấp.
PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện An Việt, cho biết trước đây tỷ lệ trẻ em tử vong vì viêm thanh quản cấp không hiếm gặp, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh không được phát hiện sớm. Hiện nay, y học phát triển và có những phương pháp điều trị hiệu quả hơn, tuy nhiên sự chủ quan của cha mẹ vẫn là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ gặp tình trạng nguy hiểm.
Theo bác sĩ An, nguyên nhân chính của viêm thanh quản cấp ở trẻ thường do virus cúm hoặc các loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Những đợt không khí lạnh khi giao mùa, sử dụng điều hòa không đúng cách hoặc trẻ tiếp xúc với người bị nhiễm virus cũng là những yếu tố dễ dẫn đến viêm thanh quản cấp.
Bệnh có thể được chia thành ba thể chính: viêm thanh quản thở rít, viêm thanh quản phù nề hạ thanh môn và viêm thanh khí phế quản.
Những triệu chứng ban đầu của bệnh thường rất giống với cảm lạnh thông thường, bao gồm: sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng và khó nuốt. Trẻ có thể có biểu hiện sổ mũi, hắt hơi và ngứa họng. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, trẻ bắt đầu gặp khó khăn khi thở, có dấu hiệu thở rít hoặc tiếng thở khò khè rõ ràng hơn, đặc biệt là vào ban đêm khi trẻ nằm ngủ.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu suy hô hấp, chẳng hạn như thở gấp, phập phồng cánh mũi, xanh tím môi và da do thiếu oxy.
PGS. TS Hoài An khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu khó thở hoặc thở rít, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Viêm thanh quản cấp diễn tiến rất nhanh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do suy hô hấp nếu không cấp cứu đúng cách. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, thực hiện xét nghiệm để xác định mức độ bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Những dấu hiệu viêm thanh quản cấp cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện như:
– Tiếng thở rít của trẻ tăng dần, xuất hiện ngay cả khi trẻ nằm yên
– Trẻ cảm thấy mệt nhiều
– Xuất hiện các dấu hiệu khó thở, nhịp thở bất thường, phập phồng cánh mũi
– Trẻ có biểu hiện há miệng khi thở và chảy nước miếng
– Trẻ sốt trên 39 độ, môi khô, lưỡi bẩn và xuất hiện tình trạng chảy dịch ở tai
Trong quá trình điều trị, trẻ thường được yêu cầu nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với không khí lạnh. Bệnh do virus gây ra nên kháng sinh không hiệu quả, thay vào đó bác sĩ sẽ kê thuốc hạ sốt, giảm ho và các biện pháp hỗ trợ để giúp trẻ dễ thở hơn. Đối với những ca nặng, trẻ có thể phải điều trị tại bệnh viện với sự theo dõi chặt chẽ từ các bác sĩ.
Để phòng ngừa viêm thanh quản cấp, đặc biệt trong mùa giao thời tiết, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với không khí lạnh hoặc người bị cảm cúm. Việc sử dụng điều hòa cần hợp lý, không để nhiệt độ quá thấp và không cho trẻ ở trong phòng điều hòa lạnh quá lâu.
Ngoài ra, cha mẹ nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ qua chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều rau xanh và trái cây tươi, đồng thời chú ý cho trẻ uống đủ nước. PGS. TS Hoài An nhấn mạnh, cha mẹ không nên chủ quan với những triệu chứng nhẹ như ho, khàn tiếng hay sốt mà cần đưa trẻ đi khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.