Ca mắc sởi tăng hơn 111 lần, ít nhất 5 người tử vong


Thông tin được TS.BS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, ngày 28/11.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 ca nghi sởi, trong đó gần 5.000 ca dương tính, 5 người tử vong liên quan đến sởi (TP.HCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). So với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần.

Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP.HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. (Ảnh minh hoạ: G.Linh)

Nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. (Ảnh minh hoạ: G.Linh)

Từ 1/9/2024 đến 19/11/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11/2024 ghi nhận 64 ca. Trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.

Sau đại dịch COVID-19, số mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022, trong đó hơn 107.000 trường hợp tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực toàn cầu.

Nguyên nhân chính là tỷ lệ tiêm vaccine thấp (chỉ đạt hoặc thấp hơn 80%, so với yêu cầu cần đạt 95%). Tác động của đại dịch COVID-19 trong những năm trước đó ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia không đạt được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các địa phương được khuyến cáo khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. 

vtv-sức khỏe