Bệnh viện Bạch Mai áp dụng bệnh án điện tử


Thông tin do PGS TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại buổi cung cấp thông tin về việc triển khai bệnh án điện tử chiều 1/11.

Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, triển khai bệnh viện không giấy tờ, từ ngày 1/11, Bệnh viện Bạch Mai chính thức triển khai hệ thống bệnh án điện tử sau 3 tháng triển khai thí điểm (tháng 7/2024).

“Đây là một bước tiến đột phá trong việc hiện đại hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, quản lý hồ sơ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải thiện trải nghiệm của người bệnh”, PGS TS Đào Xuân Cơ nói.

Các đại biểu bấm nút đánh dấu thời điểm Bệnh viện Bạch Mai chính thức áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. (Ảnh: N.Loan)

Các đại biểu bấm nút đánh dấu thời điểm Bệnh viện Bạch Mai chính thức áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. (Ảnh: N.Loan)

Việc chuyển đổi sang bệnh án điện tử giúp tất cả thông tin về tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh lý và quá trình điều trị của bệnh nhân sẽ được lưu trữ và quản lý trực tuyến. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ và nhân viên y tế truy cập thông tin nhanh chóng, giảm thiểu sai sót trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

“Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của Bộ y tế, cũng là đơn vị được đưa vào đề án 06 của chính phủ triển khai chuyển đổi số toàn diện trọng điểm trong lĩnh vực y tế”, PGS Cơ thông tin.   

Việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai không chỉ là bước đi quan trọng trong việc chuyển đổi số trong ngành y tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ Y tế luôn coi chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, ưu tiên nguồn lực, quyết liệt chỉ đạo triển khai.

Bộ trưởng nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe đã có bước phát triển, người dân, người bệnh đã được hưởng lợi từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc khám, chữa bệnh.

“Bài toán chuyển đổi số của bệnh viện là bài toán khó, phức tạp, không phải chỉ có kinh phí là làm được. Việc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử là bước tiến lớn trong chuyển đổi số của Bệnh viện Bạch Mai”, bà Lan nói.

PGS TS Đào Xuân Cơ nêu 5 lợi ích thiết thực của bệnh án điện tử, cụ thể:

Tiết kiệm thời gian:Người bệnh có thể đăng ký lịch khám qua điện thoại hoặc ứng dụng di động, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi tại bệnh viện.

Quản lý thông tin hiệu quả:Thông tin của người bệnh sẽ được lưu trữ và quản lý một cách đồng bộ, giúp bác sĩ dễ dàng truy cập và theo dõi lịch sử khám chữa bệnh.

Giảm chi phí:Việc không cần in giấy tờ và phim chụp sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho cả bệnh viện và người bệnh. Dự kiến, việc này có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách y tế.

Liên thông dữ liệu:Hệ thống sẽ cho phép liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, giảm thiểu việc làm lại các xét nghiệm không cần thiết.

Công tác Bảo hiểm xã hội: Nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giảm thiểu thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam có gần 1.500 bệnh viện công lập, hơn 300 bệnh viện tư nhân, gần 70.000 phòng khám tư. Song, đến đầu tháng 4/2024, cả nước mới có khoảng 70 cơ sở y tế gồm công lập và tư nhân chuyển bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.

Thực tế, nhiều cơ sở y tế đang triển khai bệnh án điện tử nhưng không công bố do chưa đáp ứng đủ toàn bộ tiêu chí. Cấu phần của bệnh án điện tử chia thành 3 giai đoạn. Thứ nhất là số hóa bệnh án; thứ hai là các công cụ tạo lập và quản lý dữ liệu; thứ ba là tạo lập liên thông dữ liệu bệnh án điện tử. Đa phần các bệnh viện đã triển khai phần 1 và 2, nhưng liên thông thì cần nhiều yếu tố như hạ tầng, đòi hỏi đầu tư lớn, cũng là trở ngại để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang bệnh án điện tử, bỏ bệnh án giấy.

vtv-sức khỏe