CHẤN THƯƠNG Ở TRẺ EM THƯỜNG BỊ BỎ SÓT

“Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”. Xương trẻ em mềm, giòn và dễ gãy. Một số nguyên nhân thường là té ngã do đùa giỡn, leo trèo hoặc bất cẩn khi đi đứng hoặc sơ ý đi bộ bị tai nạn giao thông. Các trẻ thường hiếu động nên khi đã bị chấn thương vẫn không kêu đau. Điều đó, khiến cho cha mẹ không quá bận tâm, mà chỉ xoa bóp dầu nóng hay nhiều lắm cũng chỉ đưa trẻ đến “ông thầy” nào đó theo chỉ dẫn của người quen để đắp lá sau khi đã “mằn”. Nhưng sau 2-3 tuần thì các biến chứng xuất hiện và việc điều trị chính quy đã trở nên khó khăn

Khác với người lớn, trẻ em có sụn tăng trưởng ở đầu xương, vì thế khi bị chấn thương vị trí này thường để lại di chứng nếu không kịp thời chỉnh sửa. Cách điều trị chỉnh hình không đúng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như chi ngắn, mất cân đối giữa 2 chi, rối loạn chức năng vận động, lệch trục, dễ bị thoái hóa khớp… Sau đây là một số chấn thương thường bị bỏ sót ở trẻ:

1. Gãy ở đầu dưới xương cánh tay (vùng khuỷu). Thường do trẻ chạy giỡn, té trong tư thế chống bàn tay xuống đất. Lúc đó lực truyền từ cẳng tay lên khuỷu làm gãy xương (gãy trên lồi cầu xương cánh tay). Đây là loại gãy xương thường gặp ở trẻ nhưng điều trị lại rất khó bởi nếu nắn xương không hoàn chỉnh sẽ gây những biến chứng như cứng khớp, tay cán vá (tay vẹo). Nhiều người thấy khuỷu sưng lại cho rằng trẻ bị bong gân, thậm chí đoán chắc trẻ bị gãy tay vẫn đưa trẻ đi điều trị ở các thầy lang làm trẻ sưng khớp, đã có trường hợp đưa đến hội chứng Volkmann. Một số nặng hơn gây nhiễm trùng huyết, hoại thư sinh hơi. Khi đã bị hội chứng này, sẽ không còn cách điều trị hữu hiệu được nữa, trẻ suốt đời bị tật co rút ở cẳng tay, ngón tay.

2. Gãy ở đầu dưới xương quay (ở vùng cổ tay). Khi  bị gãy xương ở vùng này, bàn tay trẻ thường sưng to, dễ bị biến dạng ở vùng cổ tay. Trong trường hợp này, trẻ được nắn chỉnh xương càng sớm càng tốt vì đầu dưới xương quay là vùng xương xốp nên xương rất mau lành. Điều trị gãy xương trẻ em trước lúc “mặt trời mọc”, có nghĩa phải điều trị sớm. Bệnh nhân đến Bệnh viện trễ rất khó nắn lại xương, cổ tay bị biến dạng gây mất thẩm mỹ. Chỉ có phẫu thuật mới chỉnh nắn được cổ tay nhưng lại dễ làm rối loạn sự tăng trưởng sau này của trẻ. Vì lý do này, nên các bác sĩ không can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân mang tật suốt đời.

3. Gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay. Dấu hiệu sưng khuỷu, đau nhiều ở vùng cạnh ngoài khuỷu là những biểu hiện gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay. Đây là loại gãy rất thường bị bỏ sót vì sau khi gãy trẻ vẫn cử động nhẹ nhàng được. Do thấy trẻ vẫn cử động nên người nhà nghĩ trẻ chỉ bị bong gân và không đưa tới Bệnh viện. Nhưng thực chất đây là loại gãy xương cần có chỉ định mổ ngay, mổ sớm. Mọi hình thức điều trị bảo tồn như nắn, bó bột đều không mang lại hiệu quả. Nếu không được điều trị sớm, trẻ bị gãy lồi cầu xương cánh tay sẽ làm tay yếu (do mất lực), không thể làm việc nặng, giới hạn cử động, lệch khuỷu ra phía ngoài có thể gây liệt thần kinh trụ gây tê bì, các cơ vùng bàn tay teo lại, mất chức năng.

4. Gãy Monteggia. Đây là loại gãy xương trụ và xương quay có kèm trật chỏm quay. Biến chứng làm khuỷu bị yếu sức cơ, giới hạn cử động sấp ngửa, lệch vẹo khuỷu. Phụ huynh cần chú ý là khi trẻ bị chấn thương nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình để được điều trị kịp thời tránh để lại các di chứng về sau.

Phim Xquang một trường hợp gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay trẻ em
Ekip phẫu thuật viên thực hiện cuộc mổ
Phim Xquang hậu phẫu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *